[8/11/2022] PHỐI HỢP THUỐC KHÁNG SINH

Tại sao phải phối hợp kháng sinh
a, Tại sao phải phối hợp thuốc kháng sinh?
Thông thường vật nuôi bị bệnh thường là bệnh ghép và ở tình trạng bội nhiễm, kế phát. Vì thế trên một cơ thể bệnh thường có sự tồn tại hai loại mầm bệnh là (vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm) do đó phải phối hợp để:
– Tăng phổ tác động của kháng sinh trong trường hợp ghép nhiều bệnh do nhiều vi khuẩn gây ra cùng một lúc hay còn gọi là đa nhiễm khuẩn.
– Ngăn sự đề kháng thuốc. Tránh được sự nhờn thuốc nếu sử dụng đơn kháng sinh.
– Hạn chế độc tố và mở rộng phổ kháng khuẩn trong những ca bệnh chưa rõ nguyên nhân nhiễm trùng.
– Kết hợp các kháng sinh diệt khuẩn trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng và hệ thống phòng vệ của cơ thể bị hư hỏng. Đạt được tác dụng diệt khuẩn nhanh và mạnh.
* Nhược điểm:
– Có những bất lợi như tăng độc tính đối với cơ thể, hao tổn chi phí mà hiệu quả không gia tăng.
– Phối hợp làm tăng phổ kháng khuẩn có thể dẫn đến nguy cơ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột (vì diệt cả vi khuẩn có lợi).
– Dùng nhiều kháng sinh trong một liệu pháp sẽ làm tăng nguy cơ chọn lọc vi khuẩn đề kháng với 1 hay nhiều kháng sinh.
b, Nguyên tắc phối hợp kháng sinh.
– Hai kháng sinh phối hợp nên cùng nhóm tác dụng, (hoặc cùng kìm khuẩn hoặc cùng diệt khuẩn), sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp.
– Không phối hợp kháng sinh kìm khuẩn và kháng sinh diệt khuẩn vì sẽ đưa đến hiệu ứng đối kháng.
*Ví dụ:
+ Kháng sinh nhóm Beta-lactam (có tác dụng diệt khuẩn): do ngăn chặn sự tổng hợp lớp vỏ bao bọc của vi khuẩn, vi khuẩn không có vỏ bọc cơ thể sẽ vỡ tung và bị tiêu diệt, tác dụng diệt khuẩn này chỉ phát huy khi vi khuẩn còn phát triển tốt, tổng hợp được lớp vỏ.
+ Nếu phối hợp kháng sinh Beta-lactam với kháng sinh Tetracyclin, Phenicol… (có tác dụng kìm khuẩn): tác động đến ribosom (một bộ phận trong cơ thể vi khuẩn giúp nó tổng hợp protein để phát triển, tăng trưởng), làm ribosom không hoạt động tức là làm cho vi khuẩn không còn phát triển, tuy không chết nhưng ngưng phát triển, không tiếp tục tổng hợp lớp vỏ bọc là đích tác dụng mà Beta-lactam tác động vào. Vậy xem như Beta-lactam bị đối kháng không còn tác dụng.
– Hai kháng sinh phối hợp không cùng một cơ thế tác dụng hoặc không cùng gây độc trên cùng một cơ quan.
*Ví dụ:
+ Không phối hợp hai kháng sinh cùng nhóm Beta-lactam vì cùng tác động trên vỏ tế bào vi khuẩn.
+ Không phối hợp hai kháng sinh cùng nhóm Aminosid vì nhóm Aminosid gây độc đối với tai và thận. Nếu phối hợp hai kháng sinh cùng nhóm Aminosid sẽ làm điếc và suy thận trầm trọng trong khi hiệu quả trị bệnh lại không tăng.
– Hai kháng sinh phối hợp không kích thích sự đề kháng của vi trùng.
*Ví dụ:
– Không phối hợp cefoxitin với penicillin vì cefoxitin kích thích vi khuẩn đề kháng với penicillin bằng cách tiết ra enzym phân hủy kháng sinh phối hợp với nó.
c, Trường hợp đặc biệt:
– Kháng sinh nhóm Aminosid (như Streptomycin, Gentamycin, Kanamycin…) tuy tác động vào ribosom nhưng lại có tác dụng diệt khuẩn (chứ không có tác dụng kìm khuẩn như Tetracyclin). Vì vậy, có thể phối hợp thuốc nhóm Beta-lactam với nhóm Aminosid.
– Hai kháng sinh Sulfamethoxazol (thuộc nhóm sulfamid) và Trimethoprin là hai kháng sinh thuộc nhóm kìm khuẩn nhưng khi phối hợp thì lại đạt được tác dụng hiệp đồng là diệt khuẩn.
– Erythromycin được xem là kháng sinh kìm khuẩn vì tác động trên ribosom của vi khuẩn nhưng nếu khi dùng, đạt được nồng độ thuốc trong máu cao sẽ có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, có khi Erythromycin được phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn.
d, Phối hợp kháng sinh.
* Nhóm A: Kháng sinh diệt khuẩn gồm: Beta- lactam, Aminosid, Polypeptid, Quinolon, Vancomycin.
* Nhóm B: Kháng sinh kìm khuẩn gồm: Tetracyclin, Phenicol, Macrolid, Lincosamid, Sulfamid.
– A+A (phối hợp 2 kháng sinh cùng trong nhóm A): tác dụng hiệp đồng (tăng tác dụng).
– B+B (phối hợp 2 kháng sinh cùng trong nhóm B): không hiệp đồng, không đối kháng, chỉ tác dụng đơn thuần (“việc ai nấy làm”).
– A+B (phối hợp 1 kháng sinh nhóm A và 1 kháng sinh nhóm B): tác dụng đối kháng (mất tác dụng).
* Trường hợp ngoại lệ: Không đối kháng
– Nhóm Aminosid phối hợp với các nhóm: Tetracyclin, Phenicol, Macrolid, Trimethoprim.
– Nhóm Polypeptid phối hợp với các nhóm: Tetracyclin, Phenicol, Macrolid, Trimethoprim.
– Nhóm Beta-lactamin phối hợp với các nhóm: Polypeptid, Sulfamid.
* Đối kháng
– Nhóm Beta-lactam đối kháng với các nhóm: Tetracyclin, Phenicol, Macrolid, Trimethoprim
– Nhóm Quinolon đối kháng với các nhóm: Tetracyclin, Phenicol, Macrolid, Trimethoprim
* Hiệp đồng (đồng vận)
– Nhóm Aminosid tác dụng đồng vận với các nhóm: Beta-lactamin và Quinolon.
– Nhóm Quinolon tác dụng đồng vận với nhóm Polypeptid.
* Một số kháng sinh thuộc các nhóm trên:
– Nhóm Beta-lactamin: Penicillin G, Ampicillin, Amoxycillin, Cephalosporin, Cephalothin, Cefuroxime, Cefoxitin, Cefotaxime, Ceftriaxone, Certizoxime, Ceftiofur, Clavulanate, Sulbactam…
– Nhóm Aminosid: Streptomycin, Gentamicin, Tobramycin, Neomycin, Kanamycin, Apramycin, Spectinomycin…
– Nhóm Polypeptid: Polymyxin, Colistin…
– Nhóm Quinolon: Nalidixic acid, Flumequin, Norfloxacin, Enrofloxacin…
– Nhóm Macrolid: Erythromycin, Spiramycin, Tylosin, Azithromycin, Tulathromycin …
– Nhóm Tetracyclin: Chlotetracyclin, Tetracyclin, Oxytetracyclin, Doxycillin…
– Nhóm Phenicol: Chloramphenicol, Thiamphenicol, Florfenicol…
– Lincosamid: Lincomycin…
– Sulfamid: Sulfamethoxazole…
– Nhóm Diaminopyrimidin: Trimethoprim…
e, Hiệu quả điều trị bệnh do nhiễm vi khuẩn phụ thuộc:
1. Phát hiện bệnh kịp thời (sớm);
2. Chẩn đoán chính xác (đúng bệnh);
3. Sử dụng kháng sinh đúng nguyên tắc (lựa chọn kháng sinh phù hợp mầm bệnh, dùng đúng liều lượng và liệu trình)
………………………………………………….
Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về nhóm đầu tiên, nhóm nguyên thủy Beta-lactam và đồng thời để biết các kháng sinh phối hợp với nhau chữa bệnh gì, dùng như thế nào mời bạn đọc theo dõi.