Vượt khó với mô hình chăn nuôi bò

Anh Nguyễn Thanh Quang, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), tâm sự: Trước đây, gia đình anh chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2018, anh chuyển sang thu mua và phân phối bò đực giống cho người dân địa phương, thị trường ngoài tỉnh như: Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long và các tỉnh miền Bắc. Năm 2019, anh được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm (2016 – 2019).

nuoi-bo

Anh Nguyễn Thanh Quang tập hợp đàn bò giống.

 

Lúc đầu, anh Quang nuôi từ 9 – 10 con bò sinh sản, tạo nguồn thu nhập ổn định. 3 năm trước, anh bén duyên cùng công việc mua bán, trở thành thương lái. Anh đã tích lũy kinh nghiệm sau nhiều năm chăn nuôi bò, tạo dựng nguồn vốn ban đầu, nắm bắt thời cơ, am hiểu thị trường để thành công trong công việc. Hiện tại, anh nuôi 3 con bò sinh sản, góp phần tạo nguồn con giống cho trang trại.

 

Anh thu mua con giống từ người chăn nuôi ở địa phương, bò đực (5 – 6 tháng) về thuần dưỡng. Thông thường sau 20 ngày chăm sóc tại trại, anh sẽ phân phối ra thị trường. Đối với những con bò thu mua về có sức khỏe kém, thời gian chăm sóc kéo dài hơn, khi đạt yêu cầu anh mới xuất bán.

 

Mỗi tháng, anh xuất bán trung bình 500 – 600 con bò đực giống BBB (3B), Pháp kem cho đầu mối tiêu thụ. Người dân mua về nuôi vỗ béo, giá từ 22 – 28 triệu đồng/con.

 

Giai đoạn chăm sóc tại trại nuôi, anh Quang cho bò ăn thức ăn chuyên dụng, rơm, cỏ 2 cử/ngày; bổ sung thêm nước. Anh sử dụng 1ha đất trồng cỏ, cung cấp đủ nguồn thức ăn cho bò. Trước khi xuất bán, anh tiêm ngừa cho bò đầy đủ, đúng chuẩn theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Không chỉ bán cho người dân, thương lái, anh còn cung cấp số lượng lớn cho những dự án chăn nuôi bò do nhiều địa phương triển khai thực hiện, giúp người dân kế sinh nhai hiệu quả.

 

“So với nuôi bò sinh sản, công việc này nhẹ công, xoay vòng đồng vốn nhanh, nhưng nặng suy nghĩ. Nguồn thu nhập cao, đồng nghĩa đương đầu thách thức không hề nhỏ. Thất thoát trong quá trình vận chuyển là điều không thể tránh khỏi. Mua thì trả tiền liền, bán giao tận nơi mới có thể nhận tiền”, anh Quang chia sẻ.

 

Người dân hoặc thương lái ở gần thường đến trại của anh để lựa chọn con giống phù hợp, trao đổi mua bán. Trường hợp ở xa hay quen biết, anh Quang hỗ trợ vận chuyển con giống giao tận nơi. Việc quảng bá, giới thiệu con giống được anh thực hiện hiệu quả thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube).

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Trương Bé Thơ cho biết: “Anh Nguyễn Thanh Quang là nông dân trẻ năng động, giỏi giang trong phát triển kinh tế. Trại bò của anh là đầu mối tiêu thụ tích cực, tháo gỡ đầu ra cho người chăn nuôi bò sinh sản ở Mỹ Hòa. Anh cũng đã góp phần quảng bá thương hiệu bò giống Ba Tri vươn xa thị trường trong nước. Bò là vật nuôi chủ lực ở địa phương, giúp nông dân thoát nghèo hiệu quả, hiện toàn xã nuôi hơn 5 ngàn con”.