Đánh giá kết quả thực hiện chương trình công nghệ sinh học trong lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y

Đó là tên Hội thảo do Vụ Khoa học Công nghệ &Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Tế bào Động vật (Viện Chăn nuôi) phối hợp tổ chức ngày 19/11/2020 tại Viện Chăn nuôi.

Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Hà Ngân)

 

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; các nhà khoa học…

 

Hội thảo đã tập hợp, đánh giá kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y thuộc Chương trình trọng điểm ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Nông nghiệp và nông thôn đã đạt được trong giai đoạn 2006-2020; đồng thời xác định một số định hướng nghiên cứu ưu tiên đến năm 2030.

PGS. TS Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) (ảnh: Khâu Thị Định)

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” tại quyết định số 11/2006/QĐ-TTg  ngày 12/01/2006 giao Bộ NN&PTNT thực hiện.

 

Theo đó, nghiên cứu công nghệ sinh học chăn nuôi thú y với 3 mục tiêu lớn là:  nghiên cứu công nghệ gen nâng cao chất lượng vật nuôi;  nghiên cứu công nghệ tế bào hỗ trợ sinh sản vật nuôi; nghiên cứu công nghệ vi sinh để sản xuất vắc xin phục vụ chăn nuôi.

 

Ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian qua đã gặp rất nhiều thách thức (dịch bệnh tai xanh, bão giá, dịch tả lợn châu Phi), nhưng có đóng góp lớn cho ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Tuy vậy, các công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y còn hạn chế về số lượng. Cụ thể, trong 200 nhiệm vụ chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp thủy sản, thì thú y chăn nuôi chỉ có 10 nhiệm vụ, tập trung vào 2 đơn vị là Viện Chăn nuôi và Viện Thú y.

 

“Cùng với đó, để đưa sản phẩm nghiên cứu công nghệ sinh học ra thị trường thì quy trình rất ngặt nghèo. Các chương trình đầu tư dài hạn, theo chuỗi thì còn dè dặt trong triển khai. Liên quan đến việc nghiên cứu vắc xin (vắc xin dịch tả lợn và cúm gia cầm) vào thực tiễn thì quy trình sản xuất gặp khó khăn; tiếp cận của doanh nghiệp với nghiên cứu cũng gặp hạn chế, mặc dù chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thị trường khoa học công nghệ”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh nêu quan điểm.

TS Phạm Công Thiếu – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (ảnh: Hà Ngân)

 

Còn TS Phạm Công Thiếu – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, để xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam giàu có, nông thôn thành những miền quê đáng sống, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều chương trình khoa học công nghệ. Trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học được coi là khâu đột phá giúp nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, không chỉ đảm bảo an ninh dinh dưỡng quốc gia mà hướng đến xuất khẩu.

 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Khoa học công nghệ được xác định là nền tảng đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Việc sử dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y nhằm cải thiện khả năng sản xuất, năng suất sinh sản; từ đó góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất, giúp sản phẩm trong nước đứng vững trong hội nhập và phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế  kỹ thuật quan trọng trong nông nghiệp. Công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y có các lĩnh vực nghiên cứu chính là: ứng dụng công nghệ gen và chuyển gen, chỉ thị phân tử trong gia cầm, lợn, bò; nghiên cứu cải tiến công nghệ tế bào động vật…

 

“Hội thảo có 12 báo cáo là những kết quả nổi bật nhằm đánh giá những nghiên cứu trong công nghệ sinh học thời gian qua và mong nhận được ý kiến trao đổi góp ý chân thành, khoa học, khách quan của các đại biểu dự hội nghị cũng như các ý kiến khác sau hội thảo, để hoàn thiện và có những định hướng đúng đắn cho giai đoạn tới”, TS Phạm Công Thiếu nhấn mạnh.

 

Những kết quả bước đầu

TS Phạm Doãn Lân – Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi) (ảnh: Hà Ngân)

 

Theo TS Phạm Doãn Lân – Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật, Viện Chăn nuôi, thời gian qua, chương trình công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y giai đoạn 2006-2020 đã đạt một số kết quả: đã xác định được sự sai khác di truyền của các giống lợn nội, gà nội, bò địa phương phục vụ bảo tồn và khai thác hiệu  quả nguồn gen bản địa. Xác định một số gen và chỉ thị phân tử liên quan đến các tính trạng sản xuất: năng suất và chất lượng sữa của bò, tốc độ tăng trọng, chất lượng thịt và số con sơ sinh sống/lứa của lợn, chất lượng thịt ở gà, bò, gen liên quan đến khả năng chịu stress ở gà và ứng dụng chọn lọc dòng gà chịu stress nhiệt.

 

Các nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản ở vật nuôi, lưu giữ, bảo quản quỹ gen bản địa, quý hiếm ở vật nuôi. Đã phát triển thành công quy trình thụ tinh ống nghiệm, quy trình tạo phôi động vật nhân bản (bò, lợn), quy trình cấy truyền phôi (lợn, bò). Đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng đảm bảo hoạt lực trên 60% ở ngày thứ 7; hoàn thiện kỹ thuật đông lạnh tinh dịch cọng rạ đảm bảo hoạt lực sau giải đông >30%.

 

Đồng thời, đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin tái tổ hợp protein độc tố đường ruột Sta-LTB-STb phòng bệnh tiêu chảy do ETEC gây ra trên lợn, vắc xin vô hoạt chưa tiểu phần E2 phòng bệnh dịch tả lợn cổ điển, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.Coli gây ra trên lợn, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng trên lợn. Nghiên cứu phát triển chế tạo KIT chẩn đoán nhanh các virus gây bệnh và bệnh còi cọc do circo virus (PCV2) bằng kỹ thuật LAMP. Các nghiên cứu này đã được xuất bản trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, tham dự nhiều hội thảo ngang tầm khu vực và thế giới.

 

“Cùng với đó, thông qua các đề tài, dự án, nghiên cứu, đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên đã có cơ hội phát triển và trau dồi thí nghiệm nhằm tạo môi trường học tập nghiên cứu chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học trong hiện tại và tương lai”, TS Phạm Doãn Lân  nhấn mạnh.

 

Nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học chăn nuôi thú y giai đoạn 2021-2030 theo hướng nào?

 

“Nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học Chăn nuôi- Thú y giai đoạn 2021-2030 theo hướng nào? Đây là câu hỏi được thảo luận sôi nổi và trình bày trong hội thảo.

 

PGS TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường và các đơn vị đang xây dựng đề án nghiên cứu công nghệ sinh học 2030 đến tầm nhìn 2040. Trong đó tập trung vào phát triển công nghiệp công nghệ sinh học. Cụ thể, hoàn thiện các quy trình nghiên cứu công nghệ sinh học đã có và đưa ra để doanh nghiệp có thể sản xuất thương mại sản phẩm ra thị trường; cùng với đó, ứng dụng 4.0 trong công nghệ sinh học để truy xuất nguồn gốc…

 

Còn PGS.TS Đồng Văn Quyền – Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cũng cho rằng, số nhiệm vụ ít quá  so với tiềm năng của các cơ quan nghiên cứu, thời gian tới Bộ nên tăng cường xem xét tăng cường thêm các đề tài cho các đơn vị. Với ngành chăn nuôi, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc tạo các vắc xin, kit phòng bệnh nên duy trì; quan tâm nhiều hơn đến chế phẩm sinh học, sử dụng kháng sinh thực vật dạng pep tít có khả năng thay thế kháng sinh. Việc nghiên cứu cần mang tính tổng thể, tập trung, chuyên sâu và kết hợp liên ngành, liên đơn vị và giữa các nhà khoa học như Viện Chăn nuôi và Viện Thú y, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…

 

Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Viện trưởng Viện Thú y cho rằng, chăn nuôi quan tâm đến vấn đề giống không chỉ có năng suất, chất lượng, mà có thể làm công nghệ tách gen để lai tạo những vật nuôi ít bệnh hơn. Nếu giống tốt rồi thì áp dụng công nghệ sinh học giúp sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng, giúp giảm dịch bệnh. Còn đối với lĩnh vực Thú y, cần tập trung vào phòng bệnh và 3 phần chính:  vắc xin; chế phẩm công nghệ sinh học và chất thay thế kháng sinh. Vắc xin chúng ta đã có rồi, nhưng chúng ta nên áp dụng công nghệ mới vào để làm tốt, giá trị hơn, phòng bệnh hiệu quả, kéo dài độ miễn dịch. Và Viện Thú y tự tin rằng có thể làm được nhiều các nghiên cứu về công nghệ sinh học trong thời gian tới.

 

Còn TS Phạm Doãn Lân đưa ra những tổng hợp những định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong giai đoạn tới như sau:

 

 Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen trong chăn nuôi: Sử dụng công chỉ thị phân tử đánh giá da dạng di truyền, khoảng cách di truyền và đánh giá nguồn gen vật nuôi phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa. Nghiên cứu, ứng dụng chọn lọc vật nuôi dựa trên các chỉ thị phân tử, thông tin bộ gen nhằm cải thiện nhanh và chính xác các tính trạng năng suất, chất lượng và khả năng chống bệnh, chống chịu stress ở vật nuôi; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen.

 

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh sản trong chăn nuôi: Ứng dụng thụ tinh nhân tạo, cấy chuyển phôi nhằm cải tiến di truyền và nhân nhanh đàn gia súc; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất phôi invitro;  nghiên cứu phát triển các phương pháp nuôi thành thục tế bào trứng trong ống nghiệm (IVM), thụ tinh (IVF) và nuôi cấy (IVC). Nghiên cứu bảo quản lạnh nguồn vật liệu di truyền (tinh trùng, trứng, phôi, tế bào soma); Nghiên cứu nhân bản động vật

 

Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong thú y: Xây dựng danh mục giống virus gây bệnh với các thông số kỹ thuật cấu trúc gene, độc lực; nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất các vắc xin thiết yếu thế hệ mới, và kháng thể phòng bệnh nhằm nâng cao sức đề kháng phòng bệnh nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm; nghiên cứu ứng dụng sản xuất kit chẩn đoán, phát hiện, giám định tác nhân gây một số bệnh quan trọng ở gia súc, gia cầm; nghiên cứu sản xuất thuốc thú y sinh học có khả năng kinh tế cao, tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn và có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp.