Cá tra có thể mang về giá trị xuất khẩu hàng tỉ đôla và đã “bơi” qua hơn 140 quốc gia. Tuy nhiên, khi loại cá này về lại nội địa để phục vụ 100 triệu người Việt lại gặp khó. Vì sao?
Giới thiệu các sản phẩm làm từ cá tra cho khách hàng tại TP.HCM trong tháng 9 vừa qua – Ảnh: N.V.
Nhiều người bất ngờ khi cá tra được chế biến thành 40 món, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngại quảng bá. Tham vọng xây dựng 1.000 điểm bán cá tra trong nước đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cần có nhiều buffet cá tra
Ông Đỗ Lập Nghiệp – phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt – công nhận nhiều năm nay các doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu mà “bỏ quên” thị trường nội địa. L
ý do khiến nhiều doanh nghiệp ngán làm thị trường nội địa vì văn hóa người Việt Nam xưa nay chỉ ăn cá tươi, ít ăn cá đông lạnh nên phải làm công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để người dân biết rất tốn kém.
“Tuy vậy, xu hướng người tiêu dùng bây giờ đã khác xưa, bắt đầu có thói quen mua hàng siêu thị, thức ăn nhanh làm sẵn. Hiện tại, do dịch COVID-19 bùng phát nên không còn xuất khẩu nhiều như xưa. Đặc biệt, giá thịt heo tăng nhanh mà giá cá tra lại giảm nên là cơ hội tốt cho cá tra tiêu thụ nội địa” – ông Nghiệp nói.
Rất dễ nhận thấy các sản phẩm từ cá tra hiện có trên thị trường khá nghèo nàn, khâu quảng bá cũng hiếm hoi. Ngay tại các nhà hàng ít khi thực khách được giới thiệu món ăn từ cá tra và cũng quanh đi quẩn lại là cá kho, cá nấu canh chua.
Bởi vậy khi một hoạt động quảng bá hiếm hoi là buffet cá tra với 40 món lập tức thu hút sự chú ý của thực khách. Buffet đặc biệt này tổ chức tại khu du lịch Văn Thánh TP.HCM vào đầu năm 2020 do Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) tài trợ.
Vẫn là cá tra nhưng nhiều thực khách thậm chí còn trầm trồ vì sự sáng tạo của các đầu bếp. “Đơn cử như món patê gan cá tra được chế biến công phu, trang trí bắt mắt đến bản thân tôi cũng ngạc nhiên. Gan cá thường ngày chỉ bán vài ngàn đồng một ký thì thông qua ẩm thực giá có thể tăng đến vài chục lần” – ông Phạm Minh Thiện, giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, nói.
Không riêng Cỏ May mà những công ty có thị phần xuất khẩu lớn sang các nước như Mỹ, châu Âu cũng đang quay về với thị trường nội địa. Mới đây, Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) tung ra thị trường hẳn một thương hiệu BASAmaster – bộ sưu tập những món ăn từ sản vật sông Mekong, trong đó chú trọng sản phẩm từ cá ba sa.
Các món ăn được đóng gói tiện lợi dễ dàng để người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm tại các chuỗi siêu thị như cá viên ba sa, cá ba sa tẩm bột popcorn, cá ba sa cắt lát tẩm gia vị…
Ở “thị phần” của thanh niên khởi nghiệp, snack da cá chế biến từ cá da trơn đã trình làng hơn một năm qua của bạn Trương Lê Huy Hoàng (Đồng Tháp) được một số siêu thị cho lên kệ. Đây cũng là một tín hiệu tích cực để đưa nhiều sản phẩm chế biến từ cá da trơn đến với người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Lập Nghiệp, sắp tới Nam Việt sẽ đưa cá tra vào các khu công nghiệp, trường học và doanh trại quân đội. Cá tra giàu dinh dưỡng, ổn định chất lượng và giá cả thấp. “Hiện tại Nam Việt có 10 sản phẩm chủ lực là: philê, chả, cá tra cắt khúc, giò chả… Nếu thuận tiện, chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm các sản phẩm khác nhằm đa dạng sản phẩm để người dân lựa chọn” – ông Nghiệp nói.
Đừng làm lẻ mẻ, phong trào
Ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nêu ra một loạt vấn đề khó khăn, trước hết phải kể đến tâm lý của doanh nghiệp chuộng xuất khẩu vì bán được lượng lớn, đem tiền về liền. “Khi xuất khẩu gặp khó mới tính đến thị trường nội địa là quá muộn. Doanh nghiệp phải xem đó là chiến lược lâu dài, bền bỉ. Nếu chỉ làm lẻ mẻ, theo phong trào, xong rồi thôi thì rất khó”, ông Quốc nói.
Cái khó lớn nhất, theo ông Quốc, là thiếu kênh phân phối, tiêu thụ. “Vừa rồi hiệp hội đã kết nối doanh nghiệp cá tra ĐBSCL bán vào các bếp ăn khu công nghiệp, bếp ăn tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Nhưng mỗi tuần những nơi này đặt hàng vài trăm ký. Phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, xây dựng kho lạnh, kênh phân phối. Một doanh nghiệp làm chắc chắn sẽ lỗ vì chi phí quá lớn”, ông Quốc phân tích.
Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cũng trăn trở: ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần lắm sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, nhất là khâu truyền thông. “Nên giảm bớt các khâu thủ tục hành chính. Để lo đủ các loại chứng nhận nhằm bán hàng trong nước, doanh nghiệp cũng muốn quay cuồng, trong khi đối với thị trường xuất khẩu họ làm bài bản và chuyên nghiệp”, ông Đạo nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp): Chính quyền vào cuộc hỗ trợ
Để giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội từ giữa năm 2020.
Một tín hiệu vui từ nỗ lực đưa cá tra vào bếp ăn người Việt của Đồng Tháp là đã có một số đơn vị quân đội đồng ý dùng thử gạo và cá tra của tỉnh Đồng Tháp và có những phản hồi tích cực.
Đặc biệt, trong tháng 9 này Công ty TNHH Cỏ May của Đồng Tháp đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm gạo và cá tra với một đơn vị quân đội. Từ nay đến cuối năm, trung tâm xúc tiến của tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy xúc tiến việc đưa nông sản vào bếp ăn của hơn 20 đơn vị khác trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi
Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ cá tra, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, bộ đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường trong nước như đưa cá tra ra phía Bắc, đưa vào các siêu thị, nhà máy, khu công nghiệp… Với thị trường xuất khẩu, bộ và các doanh nghiệp đã khảo sát nhiều nước để nắm được tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện có doanh nghiệp Việt Nam đã ký cam kết 300.000 tấn cá tra sang thị trường Nga.
Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hiện thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra đã bắt đầu nhích lên. “Chúng tôi đang theo dõi, xúc tiến để xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại trong một hai tuần tới” – ông Luân nói. Chí Tuệ